Côn Đảo – Chứng tích lịch sử ghi nhận tội ác của thực dân đế quốc

Trong suốt quá trình chống thực dân, đế quốc để giành độc lập, tự do của dân tộc ta, nhà tù Côn Đảo từ cuối thế kỷ XIX luôn luôn phản ánh cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân qua các giai đoạn, bởi lẽ địch giam cầm ở đây những chiến sỹ cách mạng mà chúng cho là nguy hiểm nhất ở khắp các miền của đất nước.

Gần 45 năm trôi qua khi đất nước hoàn toàn được giải phóng, đây là quãng thời gian của gần một nửa đời người. Tuy là xa với thế hệ chúng ta hôm nay, nhưng rất gần với những người chiến sỹ cộng sản Việt Nam yêu nước chân chính năm xưa, ký ức đau thương vẫn còn trong tâm trí họ. Sự mất mát lớn lao về thể xác và tinh thần, những vết thương da thịt mặc dù đã lành theo năm tháng, nhưng vết thương lòng còn đau đớn hơn, vì ở đó, có hàng ngàn chiến sỹ cách mạng nằm lại mãi mãi không về với quê cha đất tổ.

Dưới con mắt của bọn thực dân, Côn Đảo là một nơi lý tưởng, có khả năng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đối với một nhà tù. Chúng cho rằng, Côn Đảo bốn bề trời biển mênh mông, cách đất liền gần trăm hải lý, không có phương tiện, người tù khó bề trốn thoát. Người ở bên ngoài cũng không có cách nào cứu thoát người tù. Ở hải đảo xa xôi này, những người cách mạng sẽ bị cắt đứt mọi quan hệ với gia đình, xã hội và quần chúng nhân dân, với đoàn thể, với phong trào, không còn hoạt động gì được.

Côn Đảo là một quần đảo hoang vắng, không như nhà tù ở các điểm dân cư lớn trong đất liền như Hỏa Lò ở Hà Nội, Khám Lớn ở Sài Gòn, cho nên ở đây có thể thi hành những biện pháp đàn áp dã man, tàn bạo nhất, người tù có đấu tranh mạnh mẽ tới đâu đi nữa cũng không thể gây được ảnh hưởng gì. Bọn cai ngục có thể thẳng tay giết hại người tù cũng không ai hay biết. Chẳng những thế, bọn thực dân còn đe dọa: “Ra Côn Đảo mà hò la cho biển nghe!”, “Ra Côn Đảo mà đấu tranh với cá mập!”. Nơi đây, dân cư thưa thớt, nguồn lợi thiên nhiên phong phú, muốn khai thác vùng đất này phải đưa lao động từ nơi khác đến. Do vậy, nếu dùng sức tù nhân thì rất thích hợp. Nhận rõ vị trí đặc biệt của Côn Đảo, thực dân Pháp đã sớm quyết định xây dựng nhà tù đầu tiên ở Đông Dương nhằm cách ly những người chống đối chính sách cai trị của thực dân…

Chúng dùng chế độ tù đày khắc nghiệt để hành hạ, giết dần, giết mòn người tù, đè bẹp ý chí phản kháng của họ, răn đe những người còn ở ngoài đời, làm cho họ khi ra tù tinh thần bạc nhượt, khiếp sợ, thân thể tàn phế, không dám làm gì để chống lại “mẫu quốc” và chế độ thống trị ở thuộc địa.

Đặt nền tảng cho nhà tù đầy tội ác của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ tiếp tục biến nơi đây thành địa ngục trần gian thời kiểu Mỹ. Nói như giáo sư Trần Văn Giàu: “Nhà tù Côn Lôn thời Pháp thuộc đã là địa ngục ở trần gian rồi, đến thời Mỹ ngụy, là địa ngục trong địa ngục, và nói như vậy cũng chưa vừa”

Ở một khía cạnh khác, đồng chí so sánh nhà tù Côn Đảo còn hơn nhà tù Hitler về sự dã man của nó: “Trong đời hoạt động cách mạng của mình, tôi đã trải qua nhiều nhà tù, trong số đó có ngục Côn Lôn. Tôi lại được đọc nhiều sách xưa nay nói về nhà tù của các vua chúa, của tư bản thực dân, của bè lũ phát xít. Như vậy tôi có khá nhiều tài liệu để so sánh các chế độ nhà tù tàn bạo, thì các nhà tù đó cái nào cũng tàn bạo, chỉ có mức tàn bạo, cách tàn bạo và mưu sâu bên trong là khác nhau… Nói ra thì có lẽ không phải, nhưng cái chết bằng hơi độc, thuốc độc, điện giật, giết một lần hàng vạn sinh linh, cái chết đó người chiến sỹ tù nhân Việt Nam mình có mấy ai sợ đâu? So với cái tàn ác ở nhà tù Côn Đảo dưới chế độ Mỹ – ngụy, thì nhà tù Hitler giống như ao cạn so với vực thẳm. Mỹ – ngụy thâm độc hơn Hitler biết bao nhiêu!”

Sự dã man đối với nhà tù Côn Đảo thời Mỹ – ngụy được mô tả khắc nghiệt hơn gấp nhiều lần so với nhà tù thời thực dân Pháp, Giáo sư kể lại: “bị đầy ra Côn Lôn (1935), khi ấy tôi từng bị tống ngay vào xà lim số 1, xà lim này rộng 3 x 3 x 1,5 mét, còng một chân. Mà trời ơi, làm sao so được với thời Mỹ – ngụy cũng trong xà lim đó, Mỹ nhốt tới 28 người, cửa đóng, lỗ thông hơi bịt kín, tù nhân lại còng tréo 2 tay 2 chân”

Đến với Côn Đảo, nơi tập trung hệ thống nhà tù khổ sai từ thời thực dân Pháp đến đế quốc Mỹ bao gồm:

Banh I: Còn được gọi các tên lao I, trại Cộng Hòa, trại 2 và sau cùng (11/1974) được gọi là trại Phú Hải xây dựng năm 1862 và chỉnh trang lại kiên cố năm 1896. Banh II: Còn gọi các tên: Lao II, trại Nhân Vị, trại 3, và sau cùng là trại Phú Sơn. Banh III: Còn gọi các tên: Lao III, Trại Bác Ái, Trại 1, và sau cùng là trại Phú Thọ. Xây dựng năm 1928, cách Banh I, Banh II khoảng 1km. Banh III phụ: Còn gọi các tên Lao III phụ, trại phụ Bác Ái, Trại 4 và cuối cùng là Trại Phú Tường. Chuồng cọp Pháp. Biệt lập chuồng bò: Trại 5: Còn gọi là trại Phú Phong. Trại 6: Còn gọi là trại Phú An. Trại 7: Còn gọi là trại Phú Bình hay “Chuồng cọp kiểu Mỹ”. Trại 8: Còn gọi là trại Phú Hưng. Trại 9: Mỹ – nguỵ đang cho đổ bê tông, đúc cột, nền thì hiệp định Pa-ri ký kết thúc nên đã bỏ dở.

Hệ thống nhà tù Côn Đảo qua 2 thời kỳ Pháp – Mỹ xây dựng tổng cộng: 127 phòng giam; 42 xà lim; 504 phòng “Biệt lập chuồng cọp”. Bên cạnh đó còn có các cơ sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần, giết mòn sinh mạng người tù, đồng thời phục vụ toàn diện các mặt đời sống cho bộ máy hành chánh của địch. Con số tù nhân thời chống Mỹ lên cao nhất từ khoảng năm 1969 đến năm 1972 xấp xỉ 10.000 người.

Bằng nhiều thủ đoạn mị dân, thông qua các cơ sở lao động khổ sai, thực dân Pháp và ngụy quyền Côn Đảo ra sức bóc lột tù nhân, phục vụ bộ máy cai trị tù, lấy tù nuôi tù, xây dựng trại giam, làm đường xá, sân bay và các công trình quân sự. Chúng còn cho cảnh sát, trật tự tra tấn, khủng bố bằng những ngón đòn tàn bạo, truy bức trường kỳ cả thể xác lẫn tinh thần.

Về chế độ ăn uống, đặc biệt là tù chính trị ở các lao cấm cố mà trong Luận án Tiến sỹ y khoa của bác sỹ Nguyễn Minh Triết đã chỉ ra có tiêu đề là: Nhận xét về bệnh lý tại một nhà la: Thức ăn chính của tù nhân gồm: Gạo nấu lẫn nhiều tấm, thóc và sạn; Khô: thường là khô cũ, mục đắng, gọi là khô ký ninh… từ tháng 7/1968 đến tháng 11/1971 (40 tháng) người tù được ăn thịt có 6 lần; rau rất ít ỏi, chuyện dùng cỏ (cỏ thỏ, sam đất, mần trầu) hay lá cây (lá bàng, lá phượng) để ăn là chuyện bình thường của người tù… Việc hành xác và giết hại người tù vẫn chưa phải là mục đích cuối cùng của chúng. Tất cả các thủ đoạn tinh vi, thậm độc và tàn bạo nhất của Pháp, Mỹ – ngụy đều nhằm mục tiêu tiêu diệt sinh mạng chính trị người tù, vô hiệu hóa người cán bộ cách mạng.

Vượt lên trên những nỗi đau về thể xác và tinh thần không có bút mực nào tả hết được, cuộc đấu tranh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng trong nhà tù, nhất là thời Mỹ – ngụy trước khi có Hiệp định Pa-ri đã diễn ra vô cùng quyết liệt và có sự phân biệt rõ nét của 2 thời kỳ: chống tố cộng, diệt cộng rất cực đoan theo kiểu Ngô Đình Diệm và chống các thủ đoạn tâm lý chiến, chiêu hồi thời kỳ sau Ngô Đình Diệm với sự gia tăng của cố vấn Mỹ, viện trợ Mỹ, phương thức quản lý tù nhân và phương tiện đàn áp kiểu Mỹ.

Cuộc chiến đấu bất khuất đầy dũng cảm và đầy thông minh của các chiến sỹ Côn Đảo là những trang chói lọi của lịch sử cách mạng, được nối tiếp và nhân lên trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng rực rỡ của nhân dân ta qua kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sự hy sinh cao cả của biết bao liệt sỹ trong cuộc chiến đấu ấy đã và đang tiếp tục khai hoa kết quả trong những thắng lợi và thành tựu của dân tộc Việt Nam. Côn Đảo ngày nay đã thay da, đổi thịt, tạo nên diện mạo mới với kinh tế – xã hội phát triển, đời sống nhân dân thật ấm no, hạnh phúc, đã trở thành dải đất thân thiết thiêng liêng, nơi ngưỡng mộ và tưởng nhớ đối với những anh hùng cách mạng của nhân dân cả nước hôm nay và mai sau…

ThS. Trần văn Hòa – Khoa lý luận cơ sở

http://truongchinhtribentre.edu.vn/

Tư liệu bài viết tổng hợp từ nguồn: Nguyển Đình Thống, Nguyễn Linh, Hồ Sĩ Hành. Lịch sử nhà tù Côn Đảo 1862-1975. Nxb tổng hợp. TP HCM-2018

4.7/5 - (4 bình chọn)

Để lại một bình luận