Không ngoa khi gọi Côn Đảo (quần đảo và cũng là một huyện trực thuộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) là công viên sinh thái bởi sự đa dạng sinh học rừng và biển. Trang du lịch của BBC mô tả “Bước tới Côn Đảo như bước về quá khứ”; trong khi tạp chí Travel & Leisure bình chọn nơi này “Điểm du lịch bí ẩn nhất hành tinh”. Ngày trước, hòn đảo này được biết đến là “Địa ngục trần gian”, còn bây giờ là thiên đường biển đảo.
Côn Đảo khá phát triển về du lịch. Mỗi ngày các chuyến bay nối tiếp nhau đến và đi, những chuyến tàu đầy ắp khách từ đất liền ra đảo. Thế nhưng đảo vẫn không ồn ào. Du khách không phải thấy những hàng quán chen nhau từng tấc đất, tiếng nhạc xập xình hoặc chợ búa náo nhiệt. Kể cả ngày lễ Tết, những cung đường trên đảo- dù không nhiều, nhưng thưa người qua lại. Ban ngày, chỉ có những khu di tích liên tục tiếp đón các đoàn tới viếng; trên biển, dập dìu ca nô đưa khách đi các đảo nhỏ. Đường đi, chợ búa chỉ có người dân địa phương. Nếu lang thang trên đường, bạn có cảm giác nơi này vắng bóng du lịch. Hiếm hoi lắm mới có vài du khách. Bởi thế, một khi đã chọn Côn Đảo thay vì Phú Quốc, Nha Trang; chắc hẳn du khách cũng có lý do và hài lòng ngay khi đặt chân đến. Và cũng không phải ngẫu nhiên, nơi đảo xa này lại tồn tại một Six Senses Resort và nhiều dự án du lịch sang trọng khác.
Khu di tích và tâm linh trên đảo chủ yếu tập trung ở thị trấn. Đâu đâu trong phố thị ven biển nhỏ xinh cũng bắt gặp những kiến trúc rêu phong, cũ màu thời gian. Những căn nhà có kiến trúc thuộc địa với tường gạch nung bản lớn hay tường đá đen vững chãi, một số là nhà ở của người dân bản địa, phần lớn vẫn là di tích; khiến người đến có cảm giác thật sự bước về quá khứ như BBC miêu tả. Đi trên con đường 19 cây bàng di sản ngay giữa lòng phố yên bình, bao bọc những ngôi nhà mái vòm rêu phong; khách như đang lạc vào một miền đất nào đó không-phải-ở-Việt-Nam lại càng không phải ở “thì hiện tại”. Giữa lòng phố vẫn còn những khu rừng già, những kiến trúc tuổi đời cả thế kỷ một thời: Sở Muối, Lò Vôi hay Trại cải huấn, Nhà Chúa đảo Di tích nằm khá gần nhau trong chiều dài chừng vài cây số, nhưng đi cả ngày vẫn chưa hết. Du lịch di tích là một sản phẩm đặc trưng và rất riêng của Côn Đảo, mà bất kỳ du khách nào cũng phải dành ít nhất một buổi, có khi cả ngày để đi hết.
Sau di tích, Côn Đảo nổi tiếng có vùng biển tuyệt vời để bơi lội, lặn khám phá đại dương và tận hưởng đúng nghĩa thiên đường biển. Hòn đảo cách thành phố Vũng Tàu gần một trăm hải lý sở hữu nhiều bãi biển lớn nhỏ mà bãi nào cũng cát trắng mịn, nước màu lam trong vắt. Đẹp và đông người tắm nhất là bãi biển mang tên hòn đảo lớn nhất: Côn Sơn. Bãi biển chạy dài hàng cây số nối tiếp bãi Lò Vôi và biển An Hội. Giữa bãi là Cầu Tàu 914- một di tích bi thương của những người tù Côn Đảo từ nửa thế kỷ trước. Trên đường ven biển là hàng bàng di sản. Qua hết con đường là bãi biển thoai thoải, lúc triều xuống chạy tuốt ra xa. Chiều về, người dân địa phương và du khách tấp nập xuống tắm, hóng gió giải nhiệt mùa hè. Đó là thời điểm người ta thấy Côn Đảo sầm uất và nhộn nhịp nhất trong ngày và tan sau đó khi hoàng hôn buông xuống.
Về hướng mặt trời lặn qua khỏi biển An Hội là tới những bãi biển đầy đá cuội, người ta gọi là “bãi sạn” hay những bãi cát nhỏ không tên. Qua hết mũi Cá Mập với những khúc cua uốn lượn sát bờ biển là Bãi Nhát. Bãi biển khá nhỏ và chỉ xuất hiện vài giờ trong ngày. Thời gian còn lại, bãi chìm trong nước. Bởi thế, nó trở thành “bãi biển kỳ bí” mà phải ghé lại đôi lần mới diện kiến được vẻ đẹp của bãi biển nhỏ xinh này. Bãi Nhát cận kề với một bãi biển đầy đá trứng không thua gì bãi Hoàng Hậu của đất Quy Nhơn. Khu vực này, chỉ cách trung tâm chừng bốn cây số, là nơi lý tưởng để tận hưởng không gian hoang dã của Côn Đảo, là nơi ngắm hoàng hôn đi qua đỉnh Tình Yêu- đỉnh núi có đôi mái đầu xanh là hai khối đá khổng lồ chụm vào nhau phủ bên trên là màu lá rừng chất ngất.
Bài: MIÊN HẠ – Báo Cần Thơ