Con cua đá Cồn Cỏ

Đối với đảo Cồn Cỏ Quảng Trị, Cua đá sớm nức tiếng vì đã trở thành món ăn tinh thần cho quân dân thời chống Mỹ qua bài hát “Con cua đá” của nhạc sĩ Ngọc Cừ – Phan Ngạn: Cồn Cỏ, Cồn Cỏ ấy có con (cá đua) là con cua đá!…, góp phần bồ dưỡng bộ đội ta cùng đánh Mỹ lăn quay… Và thực tế, trong thời khói lửa hào hùng đó, Cua đá đã góp phần cải thiện nguồn thực phẩm cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo tiền tiêu đứng vững diệt thù; là sản phẩm phục vụ du lịch Cồn Cỏ trong thời gian đến.

Con cua đá

Cua Đá là loại cua vừa sống trên cạn, vừa sống dưới nước. Cho đến nay, các nghiên cứu đã xác nhận Cua đá (Gecarcoidea lalandii) phân bố rất ít trên thế giới, ở Việt Nam Cua đá cũng chỉ có ở một số đảo gần bờ. Biển miền Trung Việt nam có đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Cù Lao Chàm (Quảng Nam) là 2 nơi có cua đá đáng kể nhất. Thịt cua đá được khẳng định là thơm ngon, bổ dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng.

Cua đá là một loài cua sống ở ven biển, vỏ màu tím sậm, mình rắn chắc, càng cái ngắn và to, con nặng trung bình từ 100 – 200gr. Loài cua này thường đi ăn vào ban đêm, ngày trú ẩn trong các hang đá dọc theo các bờ biển, nhiều nhất là vùng biển miền Trung và Tây Nam bộ, nổi tiếng ngon là cua đá Cù lao Chàm.

Thức ăn chính của cua đá là động vật dưới biển như cá, tép. Chính vì vậy mà người đặt rập cua đá thường dùng cá chết làm mồi để nhử bắt. Ngoài đặt rập ra, ở Hòn Tre có nhiều người còn săn cua đá bằng cách lặn bắt từng con.

Bộ phận ngon nhất của cua đá là càng cái, thịt vừa săn chắc vừa ngọt. Càng cua đá hấp dẫn nhất là nướng, luộc, rang muối tiêu. Trước khi rang người ta đập giập càng rồi ướp gia vị cho thấm đều. Mình cua đá có thể cháy tỏi, rang me, hấp bia hoặc hấp sả, vị béo, ngọt thanh, không tanh như các loài cua khác, đặc biệt là gạch cua đá thơm lừng. Khách sành điệu ẩm thực mỗi lần ra biển, đảo thường tìm mua cho được cua đá để thưởng thức. So với ghẹ và cua biển, thịt cua đá dai và đậm đà hơn, mùi vị thơm đặc trưng nên ai cũng muốn khám phá một lần cho biết.

Cua đá tuy không phải là sản vật mang lại giá trị kinh tế cao như ghẹ, cua biển và các loài sò ốc, nhưng nó cũng đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho cư dân vùng biển đảo chuyên sống bằng nghề khai thác hải sản cung cấp cho khách du lịch. Ngoài ra, nó còn là món ăn dồi dào dinh dưỡng giúp bộ đội ta một thời ăn no lập nhiều chiến công.

Bảo tồn Cua đá Cồn Cỏ

Ngay từ khi mới thành lập, UBND huyện đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ Tài nguyên và Môi trường huyện đảo Cồn Cỏ, trong đó nêu rõ cấm đánh bắt cua đá dưới mọi hình thức; UBND tỉnh Quảng Trị ra Quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Cồn Cỏ. Mặc dù đã có nhiều chủ trương, các văn bản liên quan đến việc bảo tồn nguồn lợi từ Cua đá song vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Người dân nhất là lực lượng công nhân lao động thời vụ ở trên đảo đang lén lút bắt Cua đá để ăn và đưa vào đất liền tiêu thụ. Thực tế cho thấy Cua đá Cồn Cỏ ngày càng giảm về số lượng và kích thước.

Với diện tích của Đảo khoảng 230ha, theo khảo sát gần đây do Ban quản lý Khu bảo tồn biển thực hiện đã xác định được thông tin bước đầu về mùa vụ sinh sản, số lượng trứng, trung bình có 140.000 trứng/con chúng sẽ dễ dàng phủ khắp đảo chỉ qua vài lần sinh sản nếu có điều kiện thích hợp. Nếu được bảo vệ và phát triển hợp lý có thể đưa cua đá từ chỗ có nguy cơ suy kiệt đến phát triển ổn định về số lượng và chất lượng từ đó có thể xây dựng thành một sản phẩm du lịch để phục vụ nhu cầu người dùng, góp phần phát triển kinh tế cho người dân.

Cua Đá Cồn Cỏ là loài động vật đặc hữu của đảo, đã góp phần tô đẹp thêm danh hiệu Cồn Cỏ

Qua tìm hiểu, mục đích sử dụng cua đá không định hướng trước, họ có thể bán, ăn hoặc biếu tặng…Ngoài những người dân địa phương, đáng chú ý là những công nhân khi xây dựng các công trình trên đảo có tâm lý phải ăn kỳ được cua đá cho biết, mang về làm quà đặc trưng…Qua đây có thể nói nguyên nhân hàng đầu làm suy kiệt số lượng cua đá là do yếu tố con người: khai thác tự do, không có tính chọn lọc.

Bài học thực tế, ở Cù Lao Chàm, cua đá cũng từ chỗ đánh bắt tự do, số lượng suy kiệt, giá thành không cao… nhưng giờ đây người dân trên Cù Lao Chàm đã là người trực tiếp hưởng lợi từ việc khai thác cua đá bền vững. Họ xây dựng lịch khai thác, kích cỡ đánh bắt, số lượng cho mỗi đợt thu bắt để cua đá có thời gian sinh sản, phục hồi và duy trì số lượng, kịp lớn để trở thành mặt hàng thương phẩm giá trị cao (600.000đ/kg) và lâu dài. Họ tự giám sát nhau mà không cần phải chi trả phí cho cơ quan giám sát nào cả.

Đảo Cồn Cỏ hoàn toàn đủ điều kiện để áp dụng, cải biến mô hình đồng quản lý, khai thái cua đá của Cù Lao Chàm để áp dụng cho phù hợp với thực trạng của đảo Cồn Cỏ đem lại lợi nhuận ổn định. Song khi chưa có một mô hình, quy trình quản lý hoàn chỉnh, trước mắt cần lắm sự hợp tác tự nguyện của cán bộ, chiến sỹ, công nhân và người dân trên đảo. Nếu tình cờ gặp Cua đá hãy để cho nó một cơ hội trốn thoát và hiểu rằng không phải để cho người khác bắt mà là để bảo tồn, nhân giống và khai thác hiệu quả. Bên cạnh việc giám sát, truyên truyền của các đơn vị chức năng, người dân cần phối hợp với các đơn vị chức năng như Công an huyện, Phòng Kinh tế – Xã hội để xử lý những trường hợp đánh bắt Cua đá ở trên đảo.

Ngay cả khi có lập được khu khuân nuôi bảo vệ, phục hồi cua đá trên đảo, có chế tài mạnh, giám sát chắc chắn thì cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vẫn là nhân tố then chốt để quyết định sự tồn vong của cua đá trên đảo, quyết định mình được hưởng lợi từ cua đá ổn định lâu dài, góp phần xây dựng hình ảnh Cua đá gắn liền với danh hiệu Cồn Cỏ anh hùng, sản phẩm du lịch trong tương lai.

Bài hát Con cua đá

CON CUA ĐÁ

Sáng tác: Ngọc Cứ – Phan Ngạn

Trình bày: TB: Tốp nam đoàn NTQK4

***************************************

Cồn Cỏ, Cồn Cỏ ấy có con (cá đua) là con cua đá

Nó nằm trong đá, nó nằm trong khe

Nó có tám cái que có hai cái càng

Trời về tối, ấy lính ta rất mê

Đi mò trong khe, rúc ra mà rúc rích

Lính ta mà rất thích nghe cua đi rào rào

Chộp ngay bỏ vào đầy bao cua đá….

A…. lính ta chiến đấu suốt ngày đêm

Có canh là canh canh cua đá

Càng bền là bền sức trai

A…. đánh cho quân cướp Mỹ tơi bời

Khiến chúng nó rụng rời khi nghe tin Cồn Cỏ.

Cồn Cỏ ấy có con (cá đua) mà là con cua đá

Góp phần bồi dưỡng bộ đội ta càng đánh Mỹ lăn quay

Con cua đá…

 

5/5 - (7 bình chọn)

Để lại một bình luận