Chùa Hang hay còn gọi là chùa Hải Sơn là ngôi “Phật động” nằm trong ruột đá núi thâm u, mờ ảo, với nhiều thạch nhũ muôn hình muôn vẻ, khi ta sờ vào thì âm thanh ngân lên như tiếng chuông, thu hút sự tò mò và gợi trí tưởng tượng phong phú.
Chùa Hang – Chùa Hải Sơn
Theo quyển Kiên Giang – Điểm hẹn thì chùa Hang bên ngoài là một ngọn núi, nhưng bên trong lòng núi là một động đá vôi thẳng theo trục Đông Bắc – Tây Nam chiều dài hơn 50 m, cửa Đông nhìn ra biển.
Mô tả chùa Hang trong Đại Nam nhất thống chí có đoạn: Chùa Hang là một ngôi chùa nằm giữa hang sâu gần 40m, thâm u, mờ ảo. Các thạch nhũ khi ta sờ vào thì âm thanh ngân lên như tiếng chuông chùa, vì vậy có người gọi là đá chuông. Gọi là chùa Hang vì là ngôi thờ Phật trong hang, trông bên ngoài chỉ là một ngọn núi nhuốm màu hoang dã nhưng trong lòng núi là một động đá vôi thẳng theo trục Đông Bắc-Tây Nam, chiều dài hơn 50m, cửa động nhìn ra biển. Chùa Hang thực chất là núi đá vôi bị xâm thực có cách đây hơn 1000 năm. Thiên nhiên đã tạo nên một động thật độc đáo, động khá cao cỡ trần nhà nhưng do chiều dài nên trong động thiếu ánh sáng, ở giữa động tối như màn đêm. Chùa Hang, mảnh đất ấy từ bao đời nay đã thật sự gắn bó cùng lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Chùa Hang thực chất là núi đá vôi bị xâm thực có cách đây hơn 1.000 năm. Đây là một động đá do thiên nhiên tạo nên hết sức độc đáo, động cao như mái nhà, chiều dài hơn 40 m nằm trong hang sâu thiếu ánh sáng tạo nên thâm u, huyền bí.
Theo con đường từ cổng chính đi vào chùa Hang thờ tượng Phật Di Lặc bằng đá Non Nước (Đà Nẵng) nặng 22 tấn, khách hành hương vào chánh điện, đi sâu vào hang ở giữa chánh điện thờ 2 tượng Phật Thích Ca. Tượng lớn cao 2,56 m x 2 m.
Đại đức Thích Minh Nhẫn, trụ trì chùa hang, cho biết, 2 tượng Phật bên trong rỗng, khi gõ vào tượng thì phát ra tiếng ngân, hiện nay chưa rõ tượng được làm bằng chất liệu gì.
Chùa Hang tồn tại đến nay gần 300 năm, là một trong những thắng cảnh đẹp của Kiên Giang. Theo Đại đức Thích Minh Nhẫn, chùa Hang trước đây còn gọi là chùa Thiện Thành, Hải Sơn tự thuộc xã An Bình (Kiên Lương, Kiên Giang), được biết đến từ đầu thế kỷ thứ 18.
Chùa Hang còn có tên chính thức là Prakchaokia (Thái Lùa), người dân quen gọi là chùa Ba Trại, vì chùa nằm trong căn cứ nghĩa quân Ba Trại dưới chân núi Hòn Chông của Lãnh binh Nguyễn Trung Trực.
Sau chánh điện, khách tiếp tục đi thẳng khoảng 60 m sẽ đến biển, nhìn thấy hòn Phụ Tử hùng vĩ, chân bước lên bờ cát trắng mịn, hít thở không khí trong lành. Đi về phía sau giáp núi chùa Hang là nơi thờ Đàn Dược Sư 49 vị Phật.
Chùa Hang là nơi tôn nghiêm, thắng cảnh lịch sử Kiên Giang nên ngày nào du khách trong và ngoài nước đều đến tham quan, chiêm bái, đông nhất là những ngày lễ hội vía bà.
Lịch sử hình thành chùa Hang
Hang động trên được khám phá vào thế kỷ 18 do các nhà sư Thái Lan và các ngư dân đến đây khẩn hoang lập nghiệp. Sau đó, các nhà sư này đã lập nên chùa và lúc đầu chùa chưa có tên.
Năm 1771, quân Xiêm sang xâm lược nước Việt và rút quân về nước năm 1774, các vị sư đành phải theo về. Thấy ngôi chùa bị bỏ hoang một thời gian dài, nhân dân địa phương đã thỉnh nhà sư người Khmer đến trụ trì. Sau này, các vị sư Khmer (chưa xác định được pháp danh) đã xây dựng thêm một cái am ở bên ngoài cách chùa cũ không xa và đặt tên là chùa Thái Lùa (Prakchaokia) hay chùa Ba Trại.
Năm 1800, hai anh em ruột Võ Thường Lễ và Võ Thường Nghĩa (chưa xác định được pháp danh) trùng tu lại ngôi chùa cũ và đặt tên là Chùa Hang. Kế tục trụ trì chùa Hang cũng là một nhà sư người Việt có pháp danh là Thiện Tông.
Năm 1920, Hòa thượng Thiện Tông viên tịch ở hang Phật Ngủ, Hòa thượng Thượng Tố lên làm trụ trì chùa.
Từ năm 1939 đến năm 1944, trụ trì chùa Hang là Hòa thượng Chí (không rõ họ, được cư dân địa phương gọi thân mật là Sư Chưởng). Ngài viên tịch năm 70 tuổi.
Đến năm 1953 cư dân địa phương cung thỉnh một sư cô quen gọi là Cô Sáu (chưa xác định được pháp danh) về trông lo việc Phật sự.
Năm 1975, Sư cô Sáu viên tịch. Hòa thượng Thiện Hóa (Thầy Tư) tiếp tục trụ trì cho đến khi viên tịch vào năm 1999, thọ 79 tuổi. Trong suốt 45 năm trụ trì chùa Hang, Hòa thượng Thiện Hóa đã nhiều lần cho trùng tu và đặc biệt đại trùng tu vào năm 1962 theo dáng vẻ như ngày nay và được Bộ Văn Hóa Thông tin công nhận là điểm di tích lịch sử và tham quan thắng cảnh vào năm1989.
Từ năm 1999 đến năm 2002, chùa do Đại đức Thích Minh Hải trụ trì. Và sau đó là Đại đức Thích Minh Nhẫn làm trụ trì cho đến nay.
Hệ thống thờ tự tại Chùa Hang
Tượng thờ trong Chùa Hang có nhiều, với nhiều chất liệu khác nhau. Đặc biệt có nhiều bức tượng quý như tượng Phật nghìn tay nghìn mắt ở nơi chính điện. Các tượng thờ ở đây thuộc hệ phái Nam Tông rõ nét.
Hòn Phụ Tử
Hòn Phụ Tử là hòn đảo gồm hai khối đá dính liền nhau đứng trên một bệ đá có chiều cao 5m so với mặt biển. Trong đó hòn Phụ có chiều cao khoảng 33,6m và hòn Tử cao khoảng 30m. Đó là hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau trông ra biển cả. Hòn Phụ Tử nằm trên eo biển Khu du lịch Chùa Hang, thuộc xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, được xem là biểu tượng cho cảnh đẹp Kiên Giang, và được công nhận là danh lam thắng cảnh quốc gia vào năm 1989.
Truyền thuyết Hòn Phụ Tử
Xưa kia ở vùng biển này có con thuồng luồng rất hung dữ, hay đánh đắm vào thuyền bè để ăn thịt ngư dân. Bên chân ngọn An Hải Sơn, cạnh chùa Hang, có hai cha con làm nghề chài lưới. Quá bất bình trước tình cảnh này, người cha quyết lòng tiêu diệt con ác thú trừ hại cho bà con. Sau khi tính hết kế, cuối cùng ông thấy chỉ còn cách hy sinh thân mình mới mong giết được con thuồng luồng này. Thế là ông liền tẩm thuốc độc vào mình, nằm sát mé biển để dụ con ác thú. Thấy mồi ngon, con thuồng luồng đến cắn đứt đầu ông, trúng độc rồi chết. Người con đi tìm cha, bắt gặp xác cha cụt đầu liền ôm lấy khóc thương thảm thiết. Không ngờ chất độc từ người cha thấm vào khiến người con trúng độc mà chết. Trời nổi giông bão, mưa suốt mấy ngày liền. Và nơi hai cha con nằm mọc lên hai hòn đá lớn và nhỏ. Hòn to là cha và hòn nhỏ là con, người ta gọi là hòn Phụ Tử.
Hai bên hòn Phụ Tử là hai hòn đảo có hình dáng giống như một con thỏ quỳ hai chân sau để giỡn với sóng biển và một con rùa. Thiên nhiên đã tạo nên một cảnh quan thật tuyệt. Chắc chắn rằng ai đã đến hòn Phụ Tử thì không thể quên được cảnh non nước hữu tình.
Hòn Phụ Tử bị đổ
Khoảng 3 giờ 45 phút ngày 9 tháng 8 năm 2006, phần Phụ của hòn Phụ Tử đã đột ngột ngã xuống biển. Phần gãy của hòn Phụ Tử là phần Phụ 20 m, đường kính 20 m, khối lượng khoảng 1.000 tấn, vị trí ngã ngang về hướng đông, phần còn lại chỉ còn khoảng trên 13m. Hòn Phụ Tử giờ chỉ còn lại phần hòn Tử
Q.Th (Nguồn: dulichvn.org.vn)