Bến phà (tiếng Anh: Ferry Terminal) là nơi đón, trả khách bằng phà.
Định nghĩa:
Phà hay bắc (phương ngữ Nam bộ, gốc tiếng Pháp: bac) là một chiếc tàu thủy (hoạt động trên sông hoặc ven biển) chuyên chở hành khách cùng phương tiện của họ trên những tuyến đường và lịch trình cố định. Có phà chỉ chuyên chở người, nhưng cũng có loại phà được thiết kế để chở tàu lửa hay xe hơi. Phà là một trong những phương tiện vận tải hữu ích nối liền nhiều điểm với nhau ở những thành phố vùng sông nước và, trong nhiều trường hợp, rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng cầu hay đường hầm.
Bến phà (Ferry Terminal)
Bến phà – danh từ, trong tiếng Anh được gọi là Ferry Terminal.
Bến phà là nơi đón, trả khách qua sông, vùng hồ, vùng đầm, phá, vụng, vịnh, hoặc các đảo thuộc vùng nội thủy bằng phà.
Vận hành, khai thác bến phà
Đối với công trình bến
a) Bến đảm bảo theo qui định của Bộ Giao thông vận tải qui định về quản lí hoạt động của cảng, bến thủy nội địa;
b) Bến phải được bảo đảm các yêu cầu kĩ thuật theo qui định của tiêu chuẩn qui chuẩn kĩ thuật hiện hành; đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; phải có nơi đỗ xe ô tô chờ qua phà và nhà chờ cho hành khách ở trước biển báo dừng lại ngoài cổng chắn của bến;
c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động còn hiệu lực;
d) Mặt bến phải chắc chắn, sạch sẽ, không trơn trượt, không có ổ gà, không để chướng ngại vật, đủ cọc neo theo qui định về số lượng và chất lượng kĩ thuật; đảm bảo quay đầu xe khi xe lùi xuống phà và tiến lên;
đ) Đường dẫn vào bến phải đủ rộng đảm bảo cho hai xe ô tô đi ngược chiều nhau (hai làn xe); có đủ cọc tiêu, biển báo hiệu, bảng niêm yết giá vé, có cống hoặc cây chắn, hàng rào phân định rõ ranh giới hành khách, phương tiện giao thông đường bộ chờ đợi trước khi xuống phà;
e) Phải được bố trí tời tại bến có đủ sức kéo đối với phương tiện giao thông đường bộ có trọng tải lớn nhất được phép chở qua phà để ứng cứu phương tiện khi có sự cố xảy ra.
Đối với phà một lưỡi
a) Có giấy chứng nhận đăng kí phương tiện thủy nội địa theo qui định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kĩ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện thủy nội địa còn hiệu lực.
Có bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực và các giấy tờ khác có liên quan theo qui định của pháp luật; kẻ hoặc gắn biển số đăng kí phương tiện thủy nội địa, sơn kẻ vạch dấu mớn nước an toàn của phương tiện thủy nội địa, số lượng hành khách được phép chở trên phương tiện thủy nội địa;
b) Đạt tiêu chuẩn chất lượng và được cơ quan đăng kiểm xác nhận đủ điều kiện được phép hoạt động;
c) Được trang bị đủ số lượng, đúng chủng loại các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy theo qui định;
d) Có ghế ngồi cho người khuyết tật, người già, phụ nữ có thai và trẻ em khi đi phà;
đ) Lưỡi phà (phần tiếp giáp với lưỡi bến khi phà cập bến) phải chắc chắn, không trơn trượt, không lồi lõm, không để chướng ngại vật.
Đối với hàng hóa
a) Hàng hóa chở trên xe ô tô phải được chằng buộc chắc chắn; trường hợp là động vật sống phải đóng cũi hoặc thùng cố định trước khi đưa xuống phà; xe ô tô, xe cơ giới ba bánh, bốn bánh phải chèn bánh bằng kê chèn;
b) Không chở hàng hóa thuộc danh mục cấm vận chuyển. Đối với các xe chở hàng hóa là gas, xăng dầu, khí hóa lỏng phải sắp xếp vận chuyển riêng (nếu xét thấy đảm bảo an toàn), không được chở cùng hành khách và phương tiện giao thông đường bộ trên phà; bình gas (chất đốt), can xăng, dầu do hành khách mang theo phải để vị trí riêng, đảm bảo an toàn ở trên phà. (Theo Thông tư Số: 22/2014/TT-BGTVT)
Hoàng Huy
https://vietnambiz.vn/