Sóc Trăng – Vùng đất chở nặng phù sa Sông Hậu

Sóc Trăng- vùng đất nằm bên bờ hạ lưu sông Hậu, là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 3.311 km2, dân số trên 1,3 triệu người với 11 đơn vị hành chính, trong đó Thành phố Sóc Trăng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Tỉnh.

Sóc Trăng có 72 km bờ biển với 03 cửa sông lớn: Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông, nhiều sông rạch rất thuận lợi cho giao thông đường thủy và phát triển các ngành kinh tế biển, đặc biệt là quần thể cù lao sông Hậu có khí hậu trong lành, mát mẻ, đất phù sa màu mỡ thuộc huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung. Ngoài người dân tộc Kinh, vùng đất Sóc Trăng còn là nơi sinh sống của người Khơ me và người Hoa, là nơi giao thoa của 3 nền văn hóa lâu đời và tụ hội tập quán sinh sống trên sông nước với tập quán sản xuất nông nghiệp định cư lâu đời trên vùng đất màu mỡ được phù sa Sông Hậu bồi đắp. Sóc Trăng có 8 di tích cấp quốc gia, có hệ thống chùa, đình, miếu thể hiện tín ngưỡng dân gian của dân tộc Kinh, Khơ me và Hoa như: Chùa Khơ me, Chùa 4 mặt, Chùa Dơi, Chùa Đất Sét, Chùa La Hán, Chùa Somrong… và những lễ hội dân gian độc đáo. Đặc biệt là Lễ hội Ook Om Bok đua ghe ngo và lễ hội Nghinh Ông Trần Đề. Không chỉ có thế, Sóc Trăng còn là vùng đất hội tụ những tinh hoa cây trái và ẩm thực của vùng sông nước miền Tây nhờ khí hậu thuận lợi, đất đai màu mỡ, phù hợp cho nhiều loại cây ăn trái nhiệt đới phát triển. Trải qua quá trình khai hoang mở đất và đấu tranh giữ gìn mảnh đất quê hương, Sóc Trăng hôm nay chứa đựng những yếu tố văn hóa, lịch sử vô cùng đặc sắc và độc đáo và là nền tảng để phát triển du lịch.

Lễ hội Ook Om Bok đua ghe ngo

Sóc Trăng đang đặt những bước chân đầu tiên vào lĩnh vực du lịch. Bằng việc đặt trọng tâm vào hai nền tảng chính: Yếu tố văn hóa, lịch sử bản địa đặc sắc và ưu thế thổ nhưỡng, Sóc Trăng có thể chú trọng ưu tiên phát triển các loại hình du lịch tâm linh, lịch sử, du lịch sinh thái kết hợp nông nghiệp và xây dựng cho mình một thương hiệu du lịch lấy yếu tố cốt lõi là sự giao thoa làm nên tính đa dạng và độc đáo của 3 nền văn hóa lâu đời. Từ đó phát triển các sản phẩm du lịch gồm các dịch vụ du lịch miệt vườn sông nước, tham quan các vườn cây ăn trái và trải nghiệm cuộc sống trên các cù lao màu mỡ, cho du khách tìm hiểu giá trị lịch sử của các di tích và góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, đưa các sản phẩm nông nghiệp phong phú, an toàn lên bàn ăn, vào túi quà của du khách, kết hợp các sản phẩm dịch vụ bổ sung là các công trình du lịch mang hơi hướng hiện đại hơn như Liên hoa Bảo tháp, khu tham quan Tân Huê Viên; Đầu tư nâng cấp đường, phương tiện giao thông thủy và bộ đến các dãy cù lao, thu hút đầu tư các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng tại trung tâm thành phố Sóc Trăng và đặc biệt là tập huấn kỹ năng làm du lịch cho người dân bản địa.

Bánh Pía – Đặc sản Sóc Trăng

Sự hợp tác giữa Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với Tỉnh Sóc Trăng trong lĩnh vực du lịch nhằm mục đích gia tăng các điểm mạnh và bù đắp cho nhau các điểm hạn chế của hai địa phương. Tỉnh BR-VT với vai trò là điểm đến cuối tuần của du khách khu vực Nam bộ sẽ rất cần tiếp nhận nguồn cung ứng nông sản và lực lượng lao động dồi dào của Tỉnh Sóc Trăng. Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch, là nơi tiếp nhận du khách từ các tỉnh miền Tây Nam bộ thông qua cửa ngõ tuyến ca nô cao tốc Trần Đề-Côn Đảo, đồng thời là nơi có thể quảng bá thông tin về tiềm năng và sản phẩm du lịch của Tỉnh Sóc Tăng đến với khoảng 15 triệu du khách hàng năm mà Tỉnh BR-VT tiếp đón.

Ngọc Hoàn
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư – Thương mại – Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

5/5 - (6 bình chọn)

Trả lời