Daily Archives: Tháng Một 15, 2021

Khô cá sặc bổi U Minh

Xưa kia, dưới tán rừng U Minh vốn có rất nhiều loại cá, sản lượng dồi dào, không thể ăn hết. Để trữ cá ăn lâu dài người dân đem làm khô hoặc làm mắm; trong đó, khô cá sặc bổi (hay còn gọi là cá sặc rằn) là một trong những loại cá khô ngon xếp hạng nhất nhì.

Cá bổi là loài sống là một trong những lại cá đồng, sống trong môi trường nước ngọt, nhưng thuộc nhóm cá đen, tập trung nhiều nhất ở hai khu vực: vùng rừng tràm U Minh Hạ và các huyện thuộc vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau.

Cá bổi có mặt ở nhiều vùng, nhưng con cá bổi của vùng rừng tràm U Minh thì ngon hơn hẳn, do con cá bổi chỉ ăn được phiêu sinh và rong tảo trong nước, mà U Minh là vùng đất phù sa, phần lớn mặt đất còn chìm ngập dưới mặt nước, lại được che phủ bởi rừng tràm trầm thuỷ, là môi sinh lý tưởng cho phù du, rong tảo phát triển.

Ông bà ta từ xa xưa đã phát hiện ra con cá bổi chỉ có thể đem làm khô mới thành món ngon và độc đáo. Nếu đem kho nấu bình thường như các loài cá khác, thịt chúng lại nhạt nhẽo.

Cá bổi U Minh Hạ thường được khai thác và chế biến vào mùa khô, khi con cá đồng về đìa, người dân chụp đìa hoặc tát đìa để bắt, số lượng cá rất nhiều. Để làm được con cá khô ngon, con cá bổi phải lớn, còn tươi sống, làm sạch vẩy và ruột, ngâm trong nước muối (vừa mặn) khoảng 1 giờ thì đem phơi. Bên cạnh đó, cá phải phơi được nắng, nhiều nhất là hai nắng, nếu kéo dài hơn thịt cá khô sẽ bủn bở, mất mùi thơm đặc trưng.

Người xưa trữ khô sặc bổi để ăn quanh năm bằng cách đem vùi vào trong bồ lúa, lúa sẽ hút ẩm và chống lên men (chống mốc) cho con khô, khi nào cần ăn thì moi ra nướng, thịt vẫn đỏ au và không hề giảm chất lượng.

Gỏi xoài khô bổi tuyệt vời. Hoặc đơn giản hơn, chỉ cần nướng chín, xé ăn với cơm nguội, cùng với nước dừa xiêm cũng rất tuyệt, có thể ăn no hồi nào cũng không biết.

Muốn ăn khô cá bổi chính hiệu phải về U Minh mới có. Nhưng giờ đây rừng tràm bị tàn phá cùng với đồng đất chuyển sang lấy nước mặn để nuôi tôm, nên ngay ở U Minh, khô cá bổi cũng trở nên quý hiếm. Hiện tại, cá bổi được nuôi nhiều ở các xã: Khánh Hưng, Trần Hợi, Khánh Bình Tây và thị trấn Trần Văn Thời (huyện Trần Văn Thời). Nghề làm khô bổi và sản phẩm cá khô bổi từ lâu đã trở thành đặc sản của địa phương. Quy trình để làm thành phẩm khô cá bổi không khó, nhưng người làm khô cần có sự cần mẫn và chịu khó.

Ngày 22 – 12 – 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã công nhận sản phẩm cá khô bổi U Minh là nhãn hiệu tập thể, do Hội Nông dân huyện Trần Văn Thời làm chủ sở hữu. Đây là điều kiện tốt để quảng bá thương hiệu, đưa kinh tế của huyện phát triển, góp phần nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Đặc sản khô bổi U Minh trở thành món quà tặng cho bạn bè, người thân vào dịp lễ tết hoặc sau chuyến đi khám phá vùng đất Cà Mau./.

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ

Mật ong được ví là cao của trăm thứ hoa – là một loại thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng, thường dùng làm thuốc, làm thức ăn bồi bổ cho người già yếu, phụ nữ sau khi sinh và trẻ em suy dinh dưỡng. Theo các nhà khoa học, mật ong thường – tức là ong nuôi đã tốt, mật ong thiên nhiên rừng U Minh Hạ càng tốt hơn.

Dân gian thường gọi mật ong là Bạch Hoa cao hay Bạch Hoa tinh. Riêng nhà y học dân tộc nổi tiếng của Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác coi mật ong là cao của trăm thứ hoa.

Từ nhiều thế kỷ trước, mật ong đã là “thần dược” cho làn da và mái tóc của phụ nữ. Người nổi tiếng với phương pháp tắm sữa và mật ong để duy trì nét thanh xuân là nữ hoàng Ai Cập Cleopasta.

Theo các nhà khoa học, mật ong bao gồm khoảng 70 – 80% là đường, phần còn lại là nước và các khoáng chất như: Can xi, phốt pho, ma giê, enzin và một số axít khác. Mỗi gam mật ong chứa khoảng 320 calori, nghĩa là với mỗi thìa mật ong, cơ thể của chúng ta sẽ được cung cấp từ 15 – 20 calori. Điểm đặc biệt là đường trong mật ong có kết cấu đơn giản, dễ tiêu hóa hơn đường ăn, vì thế chúng giúp cải thiện hệ tiêu hóa tốt hơn cho sức khỏe. Nhiều chuyên gia y tế còn cho rằng mật ong chữa được bệnh tiểu đường, tốt cho tim và giúp cơ thể thư giản.

Ngoài ra, mật ong còn có tác dụng an thần, giúp ngủ ngon, chữa viêm họng, viêm thanh quản, nói khàn, ho, trị các vết bỏng nhẹ, chữa viêm loét dạ dày tá tràng, làm hồi xuân chữa bất lực, chống mệt mỏi, làm tinh thần phấn chấn, sát trùng răng miệng, giúp sáng mắt, giảm béo, trị hen suyển, chống lão hóa. Riêng trong lĩnh vực thẩm mỹ, do tính chất làm ẩm và bôi trơn, nên mật ong được dùng nhiều để làm các loại mặt nạ dưỡng da, hoặc được chế thành sáp để thoa môi chống nứt nẻ, làm mất nếp nhăn ở phụ nữ, giữ độ ẩm và tẩy đi những tế bào sừng hóa ở da.

Việt Nam là quốc gia có sản lượng ong nuôi lớn và rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới, bình quân mỗi năm các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu từ 2.000 – 3.000 tấn sang thị trường EU.

U Minh Hạ vốn nổi tiếng với thú rừng và mật ong từ xưa đến nay. Toàn bộ rừng U Minh Hạ là một cái kho nguyên liệu khổng lồ để ong làm mật – đó là hoa tràm. Mật ong ở rừng U Minh Hạ trong và vàng như nước cam. Mật đặc, rót vào chai không cần phểu. Mật không bị pha trộn, để lâu năm không đổi màu, không biến chất và không bị đọng đường.

Rừng U Minh Hạ có diện tích khoảng 30.000 ha và theo ước tính có sản lượng mật ong khoảng 1.000 tấn/năm, trong đó người dân đã thu hoạch được khoảng 700 – 800 tấn/ năm – chủ yếu là thu hoạch từ nghề gác kèo ong.

Đầu tháng 3 tháng 4 âm lịch, rừng tràm bắt đầu lác đác trổ bông. Bông tràm nhỏ nhắn, phủ trên ngọn tràm như mái tóc vừa ngã bạc. Từng chùm, từng chùm nhụy mềm mại, mùi thơm dịu, kín đáo lan nhẹ trong không gian, quyến rủ từng đàn ong bay đi hút mật từ những kèo gác trước đó cho ong làm tổ, mà họ gọi là đi “ăn ong”. Mật ong thu hoạch từ mùa này – tức là mùa nắng được xem là thứ mật tốt nhất và giá trị nhất. Một tổ ong một năm thu hoạch được 6 lần, mỗi lần từ 3 – 4 lít mật, cá biệt có một số tổ ong cho 10 lít mật mỗi lần thu hoạch. Những người gác kèo lành nghề có mức thu nhập 12% trong tổng thu nhập gia đình mỗi năm.

Công việc gác kèo ong ở rừng U Minh Hạ là cả một nghệ thuật, từ chỗ nghiên cứu tính nết, tập quán của đàn ong, dần dần người ta rút ra kinh nghiệm và đi đến thành tHạo trong việc lấy mật mà người ngoài cuộc khó tưởng tượng được. Kèo là một nhánh tràm dài hơn thước, một đầu có cái nhánh con dùng làm cái mấu. Sau khi chọn được chỗ thích hợp, người thợ rừng gác chiếc kèo chênh chếch lên cây tràm xong, phải dọn sạch cành lá xung quanh để khi lấy mật khỏi phải vướng.

Thời gian gác kèo lý tưởng nhất là vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch, để những cơn mưa muộn cuối mùa rửa sạch mùi sắt ở chỗ 2 đầu bị dao chặt và nhánh kèo ong cũng đủ thời gian khô đi giống như những nhánh khô khác trên cây. Nếu chiếc kèo nào còn mùi sắt của con dao mới chặt thì con ong không bao giờ làm tổ.

Những người gác kèo ong mật ở rừng U Minh Hạ, tập hợp lại thành một tổ chức gọi là tập đoàn phong ngạn. Mỗi tập đoàn như vậy khoảng vài chục người, có luật lệ hẵn hoi. Theo đó, nếu ai vi phạm ( ăn trộm ong) của người khác bị phát hiện được thì căn cứ vào luật lệ mà xử: phạt tiền, phạt heo hoặc khai trừ khỏi tập đoàn. Mỗi một thành viên của tập đoàn phong ngạn gác đến vài trăm kèo và mỗi năm có thể thu hoạch hàng ngàn lít mật ong.

Ngày nay, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do nạn cháy rừng và nhiều nguyên nhân khác, nên số lượng mật ong ngày càng giảm – người nào thu hoạch mỗi năm vài trăm lít coi như đã nhiều. Do đó, nhiều thợ rừng đã chuyển nghề và luật lệ của tập đoàn phong ngạn không còn bị ràng buộc nghiêm khắc như xưa kia. Cộng thêm mật ong ngày càng có giá trên thị trường nên nhiều người vi phạm đạo đức nghề nghiệp, pha trộn mật ong với nước đường hoặc nhiều trò gian lận khác, nên người tiêu dùng muốn tìm được mật ong nguyên chất như xưa kia cũng không phải là chuyện dễ.

Mật ong rừng U Minh Hạ

Bức xúc trước tình trạng này, nhiều tổ chức và cá nhân đã và đang bắt tay xây dựng thương hiệu cho mật ong rừng U Minh Hạ để củng cố uy tín, chất lượng cho một loại đặc sản đặc biệt của Cà Mau nhằm thu hút khách du lịch, nâng cao giá trị của mật ong trên thị trường, qua đó nâng cao đời sống của người dân sống nghề rừng và góp phần bảo vệ phát triển vốn rừng, các nguồn tài nguyên của rừng.

Thương hiệu mật ong RUM.CM được đăng ký 9. 2009. Hiện đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã gạch của các cơ quan chức năng và đã được cấp nhãn hiệu độc quyền.

Ngày 10. 10. 2010, Thường trực Ban tổ chức chương trình xét thưởng – tôn vinh “Người Việt – Hàng Việt” đã đề cử thương hiệu RUM.CM là sản phẩm Việt Nam được tin dùng nhất năm 2010.

Đây là niềm tự hào, một tín hiệu đáng mừng cho một thương hiệu sản phẩm của Cà Mau được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao. Tuy nhiên, do vốn đầu tư còn Hạn chế nên cơ sở RUM.CM chưa đủ sức khai thác nguồn tài nguyên dồi dào của U Minh Hạ và do đó, cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Được biết hiện nay Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau đã đăng ký độc quyền thương hiệu sản phẩm chung cho mật ong rừng U Minh Hạ Cà Mau. Còn RUM.CM chỉ là một một doanh nghiệp thành viên và chúng ta hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp thành viên để cùng cạnh tranh lành mạnh để chống hàng nhái, hàng giả, đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.

Rừng U Minh Hạ với trữ lượng 1.000 tấn mật mỗi năm, lại mang thương hiệu khu dự trữ sinh quyển thế giới, nếu chúng ta biết tận dụng khai thác tốt lợi thế của mình thì đây sẽ là một thương hiệu mạnh góp phần làm giàu cho người dân và tăng ngân sách cho tỉnh Cà Mau.

Nguyễn Thanh Dũng

https://www.camau.gov.vn/

Bồn bồn – Đặc sản Cà Mau

Không biết cây bồn bồn có mặt trên vùng đất này tự bao giờ mà hình ảnh của nó đã gắn sâu vào đời sống của người dân vùng cực Nam của Tổ quốc. Cũng như tiếng ru em, tiếng chày giã gạo, hình ảnh cây bồn bồn, bông bồn bồn rụng trắng đã len nhẹ vào lòng người một cách âm thầm nhưng rất mãnh liệt.

“Gió đẩy gió đưa bông bồn bồn rụng trắng

Thương em một đời dãi nắng, dầm mưa”.

Câu ca trong bài “Nhớ Đầm Dơi” của nhạc sĩ Hoàng Bửu đã làm cho biết bao nhiêu người gợi nhớ quê hương.

Cho đến hôm nay những người sinh ra và lớn lên trên vùng đất Cà Mau trước những năm đầu giải phóng chắc không ai không biết đến cây bồn bồn. Thời ấy, trên đồng đất này nơi đâu cũng có cây bồn bồn. Đến mùa nước nổi, cây bồn bồn mọc lên dày đặc trên những cánh đồng. Thế là nông dân phải phát bỏ để cấy lúa. Thời khai thiên lập địa, người ta chỉ biết đến cây bồn bồn như một thứ rau đồng. Trong những năm chiến tranh ác liệt khi mà hàng vạn người phải thiếu áo, đói cơm, sống nơi bưng biền hay rừng sâu để đánh giặc, lúc đó cây bồn bồn là nguồn thực phẩm quan trọng trong cuộc sống. Chỉ cần một mớ bồn bồn tươi và vài con cá rô đồng đủ để nấu nồi canh là có thể sống đắp đổi được qua ngày. Trong những ngày đám giỗ, người dân vùng nông thôn Cà Mau thường đi nhổ bồn bồn về chế biến nhiều món ăn để cúng ông bà.

Những cánh đồng bồn bồn bạt ngàn ngày xưa ở Thanh Tùng, Tân Duyệt (Đầm Dơi) hay ven theo bìa rừng U Minh còn là vùng “căn cứ” chở che cho cách mạng. Thời kháng chiến, sự sống và cái chết chỉ gần nhau trong gang tấc. Thế mà mỗi lần bộ đội về làng các mẹ, các chị thức thâu đêm bơi xuồng đi nhổ bồn bồn về nấu canh cho các anh ăn đi đánh giặc.

Năm nào cũng vậy. Cứ mùa khô về là cây bồn bồn bắt đầu khô lá. Đây cũng là lúc con người đến cắt lá bồn bồn về chằm lại để lợp nhà, còn trẻ em thì lấy những cây rọi – bông bồn bồn – đã khô cứng về đốt lửa, vui đùa dưới đêm trăng.

Bồn bồn xào tôm

Ngoài việc dùng để ăn sống, nấu canh, bồn bồn còn dùng để làm dưa. Bồn bồn nhổ về, người ta lột bỏ bẹ già, lấy phần thân non rồi dùng sợi chỉ chẻ đôi cho vào một cái hủ và được đậy kỹ bằng lá chuối tươi. Sau đó, lấy nước cơm vo đã cho lên men chua đổ vào. Bằng cách làm này chỉ khoảng vài ba ngày là dưa bồn bồn có thể đem ra ăn được. Ngày nay, dưa bồn bồn đã nổi tiếng và trở thành đặc sản của Cà Mau. Từ dưa bồn bồn, người ta có thể chế biến được nhiều món ăn ngon miệng khác như dưa bồn bồn xào tép, xào vọp, dưa bồn bồn chấm ba khía, thịt kho tàu hay cá rô kho tộ…Nếu trước đây bồn bồn chỉ là món ăn dân dã của người nghèo, sống ở vùng nông thôn thì ngày nay bồn bồn trở thành món ăn cao cấp tại các nhà hàng, quán ăn của giới thượng lưu.

Sau giải phóng, trước áp lực gia tăng dân số, đất đai bị thu hẹp, cây bồn bồn dần dần bị con người khai thác đến mức cạn kiệt. Những cánh đồng bồn bồn bạt ngàn trước đây không còn nữa. Có lúc, trên cả vùng đất Cà Mau chỉ có vài nơi trên vùng rừng U Minh còn sót lại bóng dáng cây bồn bồn. Trong những năm gần đây, giá một số mặt hàng nông sản giảm mạnh thì cây bồn bồn được lên ngôi. Bồn bồn tươi, bồn bồn làm dưa ngày càng hiếm và trở nên có giá. Ngoài vùng ngọt miệt U Minh, Trần Văn Thời, nhiều hộ dân sinh sống ven theo tuyến quốc lộ 1A, thuộc ấp Đông Hưng, ấp Láng Tượng, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cố giữ ngọt để trồng bồn bồn, nuôi cá và các loại rau màu khác. Sản phẩm làm ra, bà con nông dân dọn ra ven đường để bày bán cho du khách gần xa mua về ăn hoặc làm quà tặng cho người thân. Cứ thế, vào mùa thu hoạch, dọc 2 bên đường này bỗng chốc đã trở thành nơi cung cấp, mua bán các sản phẩm từ cây bồn bồn.

Có thể nói, cây bồn bồn là hình ảnh đặc trưng của đồng đất Cà Mau. Từ lâu hình ảnh của nó đã đi vào trong thơ ca trên vùng sông nước Nam Bộ. Ngày nay, khi nhìn thấy các sản phẩm từ cây bồn bồn được bày bán ở các chợ là như càng nhói đau vào tim gan của những người xa nhà, xa quê. Hình ảnh đó, như gợi lại kỷ niệm tuổi thơ của những người đã từng sinh ra và lớn lên trên vùng đất này./.

Diễm Phương
https://www.camau.gov.vn

Mật ong RUM CM – Thiên nhiên trong từng giọt mật

Từ năm 2010, sản phẩm mật ong RUM CM ra đời như để khẳng định thêm chất lượng và giá trị của đặc sản mật ong rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau.

Đặc sản mật ong rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau từ lâu rất nổi tiếng trên thị trường và được nhiều tin dùng để làm thuốc trị bệnh, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, mật ong được bày bán trên thị trường phần lớn là mới khai thác dưới tán rừng, còn một số tạp chất như nhộng ong, sáp ong hoặc bông, lá cây tràm… chưa được tách lọc, loại bỏ. Năm 2010, cơ sở sản xuất mật ong RUM CM ra đời để tiếp tục nâng cao chất lượng và giá trị của sản phẩm mật ong rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau.

Mật ong rừng U Minh Hạ

Với phương châm “Thiên nhiên trong từng giọt mật”, cơ sở sản xuất mật ong RUM CM chỉ sản xuất duy nhất từ nguồn nguyên liệu mật ong thiên nhiên của rừng tràm U Minh và tuyệt đối không sử dụng nguyên liệu mật ong trôi nổi trên thị trường. Do đó, sản phẩm mật ong RUM CM luôn mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm nguyên chất của mật ong rừng tràm U Minh Hạ.

Để sản xuất ra sản phẩm mật ong RUM CM, cơ sở đã liên kết với các những người thợ gác kèo ong của các “Tập đoàn phong ngạn” trên khu vực rừng tràm U Minh Hạ để gác kèo, lấy mật theo phương pháp thủ công truyền thống. Nguồn mật nguyên chất từ thiên nhiên này được tách lọc, loại bỏ tạp chất từ tổ ong và cho ra những giọt mật ong tinh khiết nhất. Mật ong RUM CM luôn có màu sáng vàng, ngọt thanh, hậu chua nhẹ, thoang thoảng mùi hoa tràm.

Trong quá trình sản xuất, mật ong RUM CM không sử dụng hóa chất, không chất bảo quản, không pha trộn, không kim loại nặng và quan trọng là tuân thủ chặt chẽ quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Mật ong RUM CM luôn đảm bảo giá trị dinh dưỡng tự nhiên và rất tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Mật ong rừng tràm U Minh Hạ Cà Mau

Năm 2015, sản phẩm mật ong RUM CM được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau trao giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”.

Hiện nay, sản mật ong RUM CM đã trở thành đặc sản của tỉnh Cà Mau và được nhiều người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Sản phẩm mật ong RUM CM được đóng chai, có bao bì, mẫu mã đẹp và đa dạng, thích hợp để mua làm quà tặng cho người thân, bạn bè.

Cơ sở sản xuất mật ong RUM CM có địa chỉ tại số 43/29, đường Phan Bội Châu, khóm 2, phường 7, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.

Diễm Phương